Khai mạc Lễ hội vinh danh Tinh hoa làng nghề
(Tổ Quốc) - Diễn ra trong 4 ngày từ 26-29/10 tại Sân vận động huyện Phú Xuyên thành phố Hà Nội, chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023” gắn với Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú xuyên lần thứ IV do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức đã chính thức khai mạc vào tối 26/10.
Chương trình nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tinh hoa làng nghề truyền thống tiêu biểu của huyện Phú Xuyên, của thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố. Bên cạnh đó là các hoạt động gắn kết quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống, đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm.
Các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội, huyện Phú Xuyên cắt băng khai mạc lễ hội
Phát biểu tại lễ hội, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết, Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên được coi là hoạt động thường niên nhằm tri ân các bậc tiền nhân, các vị tổ nghề đã có công tạo nghề, giữ nghề và truyền nghề.
Trải qua thăng trầm của lịch sử đã khẳng định vai trò, vị trí của nghề thủ công truyền thống đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời kỳ hội nhập tạo cơ hội quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống của huyện trên thị trường trong và ngoài nước.
Từ năm 2011, huyện đã lấy ngày 26/10 hàng năm là Ngày vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên với 154/154 làng, cụm dân cư có nghề trong đó 43 làng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên phát biểu khai mạc.
Lễ hội năm nay với quy mô khoảng 130 gian hàng, gần 1000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Phú Xuyên, của thành phố Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố trong cả nước được giới thiệu. Trong đó huyện Phú Xuyên có 218 dòng sản phẩm OCOP; tiêu biểu là các làng nghề khảm trai, sơn mài xã Chuyên Mỹ có cách đây hơn 1000 năm; đan cỏ tế xã Phú Túc; may mặc xã Vân Từ; da giầy xã Phú Yên; đồ gỗ cao cấp xã Tân Dân, Văn Nhân; dệt tơ lưới chã xã Quang Trung; cơ kim khí xã Đại Thắng và thị trấn Phú Minh,… Đặc biệt có những làng nghề đặc trưng như nghề nặn tò he Xuân La - Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề duy nhất ở Việt Nam.
Khách tham quan các gian hàng
Khách tham quan các gian hàng
Trong các ngày diễn ra Chương trình, nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa sẽ được tổ chức như: Lễ khai mạc gắn với Lễ tế Tổ nghề; trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề truyền thống (nặn tò he, mây tre đan, khảm trai…); biểu diễn nghệ thuật di sản truyền thống phi vật thể và các trò chơi dân gian; tổ chức đấu giá sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc biểu tượng Khuê Văn Các, Chùa một cột và Tủ chè mi ni của các nghệ nhân làng nghề; hướng dẫn khách tham quan du lịch các điểm du lịch và một số làng nghề truyền thống của Huyện.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đại diện các sở, ban, ngành đã bấm nút khai trương Sàn thương mại điện tử
Tại buổi khai mạc Lễ hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đại diện các sở, ban, ngành đã bấm nút khai trương Sàn thương mại điện tử và trao quyết định công nhận "Điểm đến du lịch làng nghề Phú Xuyên" cho địa phương.
Cùng thời điểm này cũng diễn ra Chương trình Phát triển tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2023 do Sở Công thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức với quy mô khoảng 90 gian hàng cũng sẽ làm tăng thêm hiệu ứng, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia chương trình.
Tác giả: Ngọc Trang